Mục lục
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Adapalene là một Retinoid thế hệ thứ ba, chủ yếu được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ vừa phải, và cũng được sử dụng ngoài nhãn để điều trị dày sừng nang lông cũng như các tình trạng da khác. Nó có hiệu quả chống lại các tình trạng mụn trứng cá trong đó nhân mụn là chủ yếu.
Retinoids là dẫn xuất của vitamin A. Retinoids tại chỗ được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá bao gồm Adapalene, Tretinoin và Tazarotene. Mỗi thuốc có ưu điểm khác nhau: Adapalene được coi là kém hiệu quả nhất, nhưng được dung nạp tốt nhất. Tretinoin được coi là có hiệu quả và khả năng dung nạp vừa phải. Tazarotene được coi là hiệu quả nhất, nhưng ít dung nạp nhất do kích ứng da của bệnh nhân. Retinoids tại chỗ được khuyến cáo là liệu pháp đầu tay trong điều trị mụn trứng cá, đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc trị mụn khác. Retinoids tại chỗ nhắm vào hai cơ chế gây bệnh của mụn trứng cá: Sự hình thành vi nhân mụn, là tiền thân của tất cả các dạng tổn thương do mụn và đáp ứng viêm.
Adapalene là một sản phẩm nghiên cứu của Galderma Laboratories, Pháp. Adapalene được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 1996 để sử dụng trong điều trị mụn trứng cá ở bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên.
Tại Hoa Kỳ, Adapalene có sẵn dưới tên thương mại Differin trong ba chế phẩm: Kem 0.1%, gel 0.1% và gel 0.3%. Gel 0.1% có sẵn dưới dạng thuốc generic do Teva sản xuất. Nó cũng có sẵn dưới dạng kết hợp với Benzoyl peroxide dưới tên thương hiệu Epiduo và Tactupump. Ở châu Âu, chỉ có kem 0.1% và gel 0.1% có sẵn. Adapalene hiện được Galderma tiếp thị trên thị trường dưới tên thương mại Differin ở vài quốc gia, và Adaferin ở Ấn Độ. Nó chủ yếu có sẵn dưới dạng gel 0.1% w/w.
Kể từ ngày 8/7/2016, Galderma đã nhận được sự chấp thuận của FDA cho Differin Gel (Adapalene gel 0.1%) dưới dạng thuốc không kê đơn (OTC) để trị mụn trứng cá ở bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Lotion và kem Adapalene 0.1% và gel Adapalene 0.3% chỉ bán theo đơn.
Proactiv Company cũng bán gel Adapalene 0.1% dưới tên thương mại Proactiv MD Adapalene 0.1%.
Xem thêm: BHA là gì? Công dụng và cách sử dụng BHA trong điều trị mụn
Dược lực học
Mụn trứng cá là một tình trạng viêm mạn tính của đơn vị nang lông – bã nhờn, ảnh hưởng đến các khu vực tiết bã nhờn như mặt, lưng, ngực và đặc trưng bởi các nhân mụn, sẩn, mụn mủ, nốt sần, u nang và sẹo. Hầu như mọi người đều có mụn trứng cá ở một mức độ nào đó, đặc biệt là khi bước vào tuổi dậy thì nhưng hầu như sẽ tự hết theo thời gian, tuy nhiên đôi lúc mụn trứng cá có thể tồn tại tới tận thập kỷ thứ tư, thậm chí là suốt cuộc đời. Do sự liên quan của khuôn mặt với các vấn đề thẩm mỹ đáng kể, mụn trứng cá là một vấn đề tâm lý xã hội lớn đối với nhiều thanh thiếu niên và người trẻ (Cunliffe và Simpson, 1998).
Cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá
Trong cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá, vị trí quan trọng nhất là đơn vị nang lông – bã nhờn, bao gồm một nang lông và một số tuyến bã nhờn. Các đơn vị này được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên cơ thể ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mật độ nang lông – bã nhờn lớn nhất ở mặt, cổ trên và ngực, gấp khoảng chín lần mật độ được tìm thấy ở nơi khác trên cơ thể.
Có bốn yếu tố tương tác chính trong sinh bệnh học của mụn trứng cá:
- Tăng sản xuất bã nhờn.
- Thay đổi hệ vi sinh vật.
- Keratin hóa bất thường.
- Viêm (Strasburger, 1997; Cunliffe và Simpson, 1998; Braun-Falco và các cộng sự, 2001; Korkut và Piskin, 2005).
Để có thể điều trị mụn trứng cá, những yếu tố này nên được nhắm đến. Mục đích là để làm giảm hoặc loại bỏ các tổn thương lâm sàng chính, vi nhân mụn, là tiền thân của hầu hết các tổn thương do mụn khác (Cunliffe và các cộng sự, 2003). Có rất nhiều tác nhân sử dụng tại chỗ hoặc toàn thân cho mục đích này.
Điều trị mụn trứng cá
Điều trị mụn trứng cá không phải là chữa khỏi hẳn. Mục đích là để làm giảm sự khó chịu do các tổn thương bị viêm, cải thiện vẻ bề ngoài và ngăn ngừa sẹo. Điều trị mụn trứng cá là điều trị lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Bệnh nhân cần được thông báo về vấn đề này (Cunliffe và Simpson, 1998; Oberomok và Shalita, 2002).
Các chế phẩm tại chỗ tạo thành phương pháp điều trị duy nhất ở nhiều bệnh nhân bị mụn trứng cá và là một phần của chế độ điều trị ở hầu hết các bệnh nhân. Điều trị tại chỗ là đủ cho mụn trứng cá có nhân. Trong trường hợp mụn trứng cá nặng hơn, điều trị tại chỗ có thể được kết hợp với điều trị toàn thân (Cunliffe và Simpson, 1998).
Điều trị tại chỗ mụn trứng cá đã thay đổi qua nhiều năm. Các tác nhân có chứa lưu huỳnh hoặc resorcinol đã được sử dụng đặc biệt trong phần đầu của thế kỷ XX. Salicylic acid là một tác nhân tiêu sừng đã phổ biến trong một số thời gian. Ngày nay, các tác nhân tại chỗ phổ biến nhất là các Retinoids, Benzoyl peroxide, Azelaic acid và kháng sinh tại chỗ (Bergfeld, 1998).
Các Retinoids tại chỗ
Retinoids tại chỗ, dẫn xuất của vitamin A đã được sử dụng để điều trị mụn trứng cá trong bốn thập kỷ. Chúng là những tác nhân ly giải nhân mụn hiệu quả nhất để điều trị mụn trứng cá bằng cách bình thường hóa hoặc thậm chí làm tăng quá trình tróc vảy, do đó làm giảm sự hình thành và số lượng vi nhân mụn. Chúng cũng thúc đẩy việc loại bỏ các nhân mụn có từ trước (Bergfel, 1998) và giảm các tổn thương sần – mụn mủ (Ellis và các cộng sự, 1998; Thiboutot và các cộng sự, 2001). Ngoài ra, chúng có tác dụng chống viêm rõ rệt bằng cách ức chế hoạt động của bạch cầu, giải phóng các cytokines tiền viêm và các chất trung gian khác, và biểu hiện của các yếu tố phiên mã và thụ thể giống Toll liên quan đến điều biến miễn dịch. Chúng cũng giúp đỡ sự thâm nhập của các tác nhân hoạt động khác. Vì vậy, chúng nên được sử dụng ở hầu hết mọi bệnh nhân bị mụn trứng cá và là tác nhân được ưu tiên trong điều trị duy trì (James và các cộng sự, 2000).
Tretinoin, dạng hoạt động của sản phẩm chuyển hóa của vitamin A, là Retinoid tại chỗ có sẵn đầu tiên. Tuy nhiên, việc sử dụng nó đã bị hạn chế bởi kích ứng tại chỗ sau khi bắt đầu điều trị. Tác dụng phụ này là một vấn đề tối thiểu với các Retinoids tại chỗ thế hệ thứ ba, chẳng hạn như Adapalene.
Adapalene
Adapalene là một dẫn xuất tổng hợp của Naphthoic acid có hoạt tính retinoid. Tên hóa học của Adapalene là 6-[3-(1-adamantyl)-4-methoxyphenyl]-2-naphthoic acid. Adapalene là một loại bột trắng đến trắng nhạt, tan trong tetrahydrofuran, ít tan trong ethanol và thực tế không tan trong nước. Công thức phân tử của nó là C28H28O3.
Một số hoạt tính sinh học của nó là giống với Tretinoin, tuy nhiên nó ổn định hơn về mặt hóa học và thân dầu hơn. Bằng cách này, nó có thể đạt được nồng độ cao hơn trong đơn vị nang lông – bã nhờn. Ngoài ra, nó có ái lực cao hơn với thụ thể retinoic acid (RAR) β và γ, không giống như Tretinoin. Điều này quan trọng vì các tế bào biểu mô có chủ yếu là RAR γ. Sau đó, phức hợp RAR-Adapalene liên kết với thụ thể retinoid X (RXR) và điều này điều hòa phiên mã gen bằng cách liên kết các vị trí ADN cụ thể (Leyden, 1998). Adapalene điều biến quá trình keratin hóa tế bào và quá trình viêm. Adapalene giúp tăng sinh và biệt hóa tế bào sừng. Tác dụng chống viêm là do ức chế hoạt động của lipooxygenase và cũng do quá trình chuyển hóa oxy hóa của arachidonic acid. Các cơ chế này có thể là lý do nguy cơ kích ứng với Adapalene giảm. Adapalene có sự hấp thụ qua da rất thấp một khi thuốc đã xâm nhập vào lớp sừng, vậy nên nó bị giữ lại lớp biểu bì và nang lông, là những khu vực mục tiêu được nhắm đến (Millikan 2000).
Propionibacterium acnes là một vi khuẩn hình que, gram dương, kỵ khí được tìm thấy trong nang bã nhờn. P.acnes có ở cả những người dễ bị mụn trứng cá và những người không bị mụn trứng cá. Giả thuyết cho rằng có thể có sự khác biệt về các chủng P.acnes hoặc đáp ứng của vật chủ với P.acnes, dẫn đến mức độ gây bệnh khác nhau. P.acnes giải phóng các chất trung gian góp phần làm vỡ nhân mụn và kích thích các tế bào viêm. P.acnes kích thích con đường thụ thể giống Toll II (TLR-2), gây ra sự giải phóng các chất điều biến tiền viêm. Hoạt động này dẫn đến việc tập trung bạch cầu trung tính và giải phóng các enzyme dẫn đến vỡ biểu mô nang. Một chất trung gian, IL-12, thúc đẩy đáp ứng miễn dịch Th1. Adapalene được cho là có tác dụng ức chế hóa ứng động bạch cầu đa nhân và điều hòa xuống 15-lipoxygenase và TLR-2, góp phần vào tác dụng chống viêm của nó.
Hấp thu Adapalene qua da người rất thấp. Chỉ có một lượng vết (0.25 ng/mL) chất mẹ đã được tìm thấy trong huyết tương của bệnh nhân bị mụn trứng cá sau khi sử dụng Adapalene tại chỗ kéo dài trong các thử nghiệm có đối chứng. Bài tiết dường như chủ yếu qua con đường mật. Ban đỏ, bong tróc, khô da và nóng rát là những tác dụng phụ thường gặp nhất.
Thử nghiệm lâm sàng
Trong những năm đầu thế kỷ XIX, nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành để so sánh hiệu lực và khả năng dung nạp của Adapalene và Tretinoin trong điều trị mụn trứng cá. Một phân tích tổng hợp của năm nghiên cứu lớn với hơn 900 bệnh nhân trong 12 tuần đã chứng minh rằng gel Adapalene 0.1% có hiệu quả tương đương với gel Tretinoin 0.025% (Cunliffe và các cộng sự, 1998). Sau 12 tuần, cả hai tác nhân đều có hiệu quả như nhau nhưng gel Adapalene có tác dụng khởi phát nhanh hơn và ít kích ứng hơn. Tuy nhiên, việc so sánh gel Adapalene 0.1% và gel microsphere Tretinoin 0.1% trong một nghiên cứu mù đôi đã chứng minh sự giảm nhân mụn nhanh hơn ở gel Tretinoin so với gel Adapalene, nhưng một lần nữa, gel Adapalene ít gây kích ứng hơn ở bệnh nhân sử dụng (Nyirady và các cộng sự, 2001).
Gel Adapalene 0.1% đã được nghiên cứu ở 80 bệnh nhân cùng với gel Isotretinoin 0.05%, là đồng phân cis của Retinoic acid, để so sánh hiệu quả và khả năng dung nạp của chúng bởi Loannides và các cộng sự (2002). Cả số lượng tổn thương và đánh giá toàn cầu cho thấy mức độ hiệu quả của Adapalene là tốt hơn so với Isotretinoin, mặc dù sự khác biệt giữa hai loại thuốc là không đáng kể. Mặc dù Isotretinoin ít gây kích ứng hơn Tretinoin, nhưng Adapalene vẫn ít gây kích ứng hơn so với Isotretinoin.
Trong nghiên cứu so sánh Tazarotene được sử dụng cách ngày và Adapalene được sử dụng hàng ngày bởi Guenther (2003), cả hai loại thuốc này đều có hiệu quả và khả năng dung nạp tương đương (Dosik và các cộng sự, 2005).
Một nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên, đa trung tâm được thực hiện bởi Thiboutot và các cộng sự (2006a) trên 653 bệnh nhân đã chứng minh rằng gel Adapalene 0.3% vượt trội hơn đáng kể so với gel Adapalene 0.1% và dung nạp tốt. Trong một nghiên cứu khác, hiệu lực và độ an toàn của gel Adapalene 0.3% được so sánh với gel Adapalene 0.1% và tá dược lỏng trên 214 đối tượng trong 12 tuần. Kết quả của nghiên cứu này đã chứng minh rằng gel Adapalene 0.3% vượt trội hơn so với gel Adapalene 0.1% và tá dược lỏng trong điều trị mụn ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng trong khi vẫn duy trì một nghiên cứu tương tự và hồ sơ dung nạp với gel Adapalene 0.1% (Pariser và các cộng sự, 2005).
Benzoyl peroxide và Adapalene là một trong những thuốc bôi ngoài da hiệu quả nhất được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá. Mặc dù thực tế là có rất nhiều nghiên cứu với Benzoyl peroxide và Adapalene đơn độc, nhưng chỉ có một vài nghiên cứu so sánh hai loại thuốc này, về hiệu lực và độ an toàn của 5% Benzoyl peroxide, 0.1% Adapalene và sự kết hợp của chúng. Nghiên cứu cho thấy rằng cả ba phác đồ điều trị đều có hiệu lực trong điều trị các tổn thương viêm và không viêm và không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về hiệu quả hoặc tác dụng phụ. Adapalene và Benzoyl peroxide là những chất có hiệu quả và dung nạp tốt đối với mụn trứng cá. Liệu pháp phối hợp không có sự vượt trội so với Adapalene hoặc Benzoyl peroxide đơn độc. Có một vài nghiên cứu so sánh tác dụng phụ của Benzoyl peroxide với Adapalene. Brand và các cộng sự (2003) đã chứng minh rằng sự kết hợp 0.1% Adapalene và 5% Benzoyl peroxide là an toàn và dung nạp tốt.
Adapalene cũng hữu ích trong điều trị duy trì. Thiboutot và các cộng sự (2006b) đã thực hiện một nghiên cứu trên 253 đối tượng để đánh giá tác dụng duy trì của gel Adapalene 0.1% và gel tá dược lỏng trong các đối tượng được điều trị thành công trong một nghiên cứu 12 tuần trước về sự kết hợp Adapalene-Doxycycline. Nghiên cứu đã chứng minh lợi ích lâm sàng của việc tiếp tục điều trị bằng gel Adapalene 0.1% như một liệu pháp duy trì. Trong một nghiên cứu khác của Zhang và các cộng sự (2004), tổng cộng 300 đối tượng bị mụn trứng cá đã tham gia vào nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, làm mù điều tra viên, so sánh hiệu lực và an toàn của gel Adapalene 0.1% và dung dịch Clindamycin 1% so với dung dịch Clindamycin 1% đơn độc. Trong phần thứ hai của nghiên cứu (tuần 1-24) được hoàn thành bởi 241 đối tượng, hiệu lực và an toàn của gel Adapalene 0.1% đơn độc như một liệu pháp duy trì đã được điều tra. Nghiên cứu này đã xác nhận tầm quan trọng của một liệu pháp duy trì sau khi điều trị ban đầu thành công và nhấn mạnh lợi ích của liệu pháp phối hợp Retinoid tại chỗ như Adapalene với kháng sinh tại chỗ trong điều trị mụn trứng cá viêm.
Dược động học
Hấp thu: Thuốc hấp thu rất ít qua da khi được dùng tại chỗ.
Phân bố: Không rõ.
Chuyển hóa: Không rõ.
Thải trừ: Bài xuất qua mật.
Tác dụng
Tác dụng quan trọng nhất của Adapalene là điều biến miễn dịch thông qua các receptor nhân, phiên mã và dịch mã tạo ra các protein đáp ứng: Ức chế hình thành vi nhân mụn, điều biến phản ứng viêm cũng như quá trình sừng hóa.
Chỉ định
Adapalene là một retinoid tại chỗ được FDA phê duyệt để điều trị mụn trứng cá. Retinoids được sử dụng để điều trị một loạt các rối loạn da. Adapalene cũng hữu ích đối với một số chỉ định không được FDA chấp thuận, bao gồm điều trị mụn cóc, u mềm lây, bệnh Darier, bệnh Fox-Fordyce, bệnh Dowling-Degos, lão hóa quang hóa, rối loạn sắc tố, dày sừng quang hóa và rụng tóc từng mảng.
Các nghiên cứu hỗ trợ rằng Adapalene có hiệu lực trong điều trị mụn trứng cá. Một phân tích tổng hợp bao gồm năm thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng và cho thấy gel Adapalene 0.1% có hiệu lực tương tự nhưng tăng cường khả năng dung nạp trong điều trị mụn trứng cá so với gel Tretinoin 0.025%.
Một công thức tá dược của gel microsphere đã được phát triển cho Tretinoin, cho phép thuốc được lưu giữ chủ yếu ở lớp biểu bì, điều này làm giảm kích ứng và dung nạp tốt hơn. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về khả năng dung nạp, an toàn và hiệu lực của gel Adapalene 0.1% và gel microsphere Tretinoin 0.1% cho thấy hiệu lực tương đương về các tổn thương toàn phần, tổn thương viêm và không viêm. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân dùng Adapalene thể hiện khả năng dung nạp da tăng cường đáng kể.
Adapalene cũng hoạt động tốt khi so sánh với Tazarotene. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên kéo dài 12 tuần, làm mù người đánh giá, so sánh gel Adapalene 0.3% và gel Tazarotene 0.1%, mỗi nhóm có sự giảm đáng kể về mặt lâm sàng trong tổng số tổn thương. Giảm 61% các tổn thương do mụn trứng cá xảy ra khi sử dụng Adapalene, với nhóm Tazarotene giảm 57%. Adapalene, gel 0.3%, cho thấy có hiệu lực tương đương như gel Tazarotene 0.1%. Tuy nhiên, bệnh nhân sử dụng Adapalene ít bị kích ứng hơn so với bệnh nhân trong nhóm được điều trị bằng Tazarotene.
Adapalene có lợi thế bổ sung khi so sánh với các Retinoids khác. Adapalene là một phân tử ổn định hơn, dẫn đến người ta ít phải quan tâm hơn đến sự quang phân hủy phân tử, cho phép sử dụng thuốc vào ban ngày. Sự ổn định này trái ngược với cả Tretinoin và Tazarotene, chúng là các chất nhạy cảm ánh sáng. Adapalene cũng cho thấy ít sự bất ổn định hóa học hơn, cho phép sử dụng kết hợp với Benzoyl peroxide.
Cách dùng – Liều dùng
Adapalene được sử dụng một lần mỗi ngày, vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ với khuôn mặt sạch sẽ. Bệnh nhân nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng và để mặt khô hoàn toàn. Sau đó, sử dụng một lượng Adapalene cỡ bằng hạt đậu thoa thành một lớp mỏng cho toàn bộ khuôn mặt. Cần cẩn thận để tránh thuốc vào mí mắt, môi và niêm mạc.
Một loại kem dưỡng ẩm không chứa dầu có thể được sử dụng trên Adapalene để giúp giảm nguy cơ kích ứng. Vì có nguy cơ nhạy cảm với Retinoids tại chỗ, bác sĩ lâm sàng cũng nên khuyên bệnh nhân dùng kem chống nắng không dầu, và cảnh báo bệnh nhân tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
Tác dụng không mong muốn
Phản ứng bất lợi được báo cáo từ Adapalene bao gồm nhạy cảm ánh sáng, kích ứng, đỏ, khô da, ngứa và nóng rát. Đây thường là những tác dụng phụ nhẹ.
Adapalene ít gây kích ứng hơn so với các Retinoids tại chỗ khác.
Khả năng dung nạp tăng cường của Adapalene, một phần, do ái lực chọn lọc của Adapalene với các thụ thể nhân RAR-β và RAR-γ, trái ngược với RAR-α. Giảm nguy cơ kích ứng da có thể góp phần tuân thủ lâu dài tốt hơn.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm gặp, đặc trưng như ngứa, phù mặt, sưng môi và/hoặc sưng mí mắt. Nếu bệnh nhân gặp phản ứng phản vệ với các triệu chứng bao gồm sưng mặt, nổi mày đay, đau ngực hoặc khó thở thì nên ngừng sử dụng Adapalene và đi khám ngay lập tức.
Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc
Bệnh nhân nên được đánh giá lại về hiệu lực trong 12 tuần, hoặc sớm hơn nếu tác dụng phụ xảy ra.
Tránh để thuốc dính vào các vùng da có độ nhảy cảm cao như da vùng mắt, môi và niêm mạc.
Chỉ sử dụng ngoài da.
Giảm thiểu tối đa tiếp xúc với tia UV, sử dụng kem chống nắng và quần áo bảo hộ.
Thời tiết khắc nghiệt (ví dụ gió, lạnh) có thể gây kích ứng da.
Nguy cơ phản ứng bất lợi cao hơn trong tháng đầu điều trị.
Không sử dụng Adapalene cho các vết trầy xước, vết cắt, da bị chàm hoặc bị cháy nắng.
Kích ứng da: Thoa các sản phẩm có tác dụng làm dịu da như kem dưỡng ẩm, sản phẩm có chứa vitamin B5, B6, giảm tần suất sử dụng hoặc ngừng ngay lập tức việc sử dụng Adapalene.
Không bôi sáp lên vùng da đã được điều trị hoặc bôi các sản phẩm ngoài da có thể gây kích ứng thêm cho da (ví dụ: chất làm săn se, xà phòng mài mòn và chất tẩy rửa, tẩy da chết, lưu huỳnh, resorcinol, Salicylic acid).
Ngừng thuốc ngay lập tức khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào có tiềm ẩn nguy cơ cao. Sau đó, liên hệ với cơ sở y tế có đủ điều kiện khám chữa gần nhất để được tư vấn về mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ gặp phải và tìm ra giải pháp thích hợp nhất.
Phụ nữ có thai: Phân loại thai kỳ: C. Nên tránh ở bệnh nhân mang thai vì Retinoids toàn thân gây quái thai.
Phụ nữ đang cho con bú: Không biết liệu Adapalene có được bài tiết qua sữa mẹ hay không và do đó cần thận trọng ở bệnh nhân cho con bú.
Tương tác thuốc
Adapalene không có tương tác nghiêm trọng đã biết với các loại thuốc khác.
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối: Quá mẫn cảm với Adapalene, các Retinoids khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Chống chỉ định tương đối bao gồm bệnh nhân bị rối loạn nhạy cảm ánh sáng, eczema, cháy nắng hoặc sử dụng đồng thời các sản phẩm chăm sóc da có khả năng gây kích ứng khác.
Một số chế phẩm Adapalene trên thị trường
Differin
Nhà sản xuất: Galderma.
Các dạng hàm lượng: Kem tại chỗ (0.1%), gel tại chỗ (0.1% [OTC], 0.3%), lotion tại chỗ (0.1%).
Giá bán: 180,000 VNĐ/hộp 1 tuýp gel Differin 0.1% 15 g.
Klenzit MS
Nhà sản xuất: Glenmark.
Các dạng hàm lượng: Gel microspheres 0.1% w/w.
SĐK: VN-19662-16.
Giá bán: 100,000 VNĐ/hộp 1 tuýp Klenzit MS 15 g.
Klenzit-C
Nhà sản xuất: Glenmark.
Các dạng hàm lượng: Adapalene 0.1% + Clindamycin 1%.
Giá bán: 100,000 VNĐ/hộp 1 tuýp Klenzit-C 15 g.
Akneyash gel
Nhà sản xuất: Yash Medicare Pvt., Ltd.
Các dạng hàm lượng: 0.1%.
SĐK: VN-20743-17.
Giá bán: 70,000 VNĐ/hộp 1 tuýp Akneyash gel 30 g.
Vertucid
Nhà sản xuất: Yash Medicare Pvt., Ltd.
Các dạng bào chế: Adapalene 0.1% + Clindamycin 1%.
SĐK: VN-20877-17.
Giá bán: 84,000 VNĐ/hộp 1 tuýp Vertucid 15 g.
Adalcrem
Nhà sản xuất: Phil Inter Pharma.
Các dạng hàm lượng: 15 mg (0.1%).
Giá bán: 75,000/hộp 1 tuýp Adalcrem 15 mg.
Zentiva
Nhà sản xuất: SANOFI.
Các dạng hàm lượng: 0.1%.
Tài liệu tham khảo:
Suleyman Piskin and Erol Uzunali, A review of the use of adapalene for the treatment of acne vulgaris,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2374937/
Leila Tolaymat; Patrick M. Zito, Adapalene,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482509/