[Chia sẻ] Kinh nghiệm chữa bệnh viêm chân tóc hiệu quả tại nhà

Bệnh viêm chân tóc

Môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, vi khuẩn phát triển mạnh khiến tình trạng viêm nhiễm ngày một gia tăng, một trong các tình trạng viêm thường thấy nhất đó chính là viêm chân tóc. Viêm chân tóc gây ra nhiều phiền toái và đã trở thành tình trạng chung của rất nhiều người. Vậy viêm chân tóc là gì? Điều trị viêm chân tóc như thế nào?…. Tất cả sẽ được giới thiệu ở bài viết dưới đây.

Bệnh viêm chân tóc là gì?

Viêm chân tóc thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng, cụ thể là viêm nang lông hay còn gọi là nhiễm trùng nang lông. Tổn thương viêm có thể lan tỏa sâu hơn toàn bộ chân tóc gây đau, ngứa và mưng mủ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ.

Nguyên nhân gây bệnh viêm chân tóc

Nguyên nhân gây bệnh thường là:

  • Các loại nấm: nấm men, nấm sợi,…
  • Vi khuẩn: Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), vi khuẩn Gram (-), vi khuẩn kỵ khí, Proteus,…
  • Virus Herpes
  • Ký sinh trùng (Demodex)

Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do tụ cầu vàng. Tụ cầu vàng là vi khuẩn Gram (+), phát triển nhanh, hiện nay đã kháng thuốc nên rất khó trị liệu. Những tổn thương do tụ cầu vàng gây ra đặc trưng bởi sự mưng mủ, dễ thấy trên da, lỗ chân lông, chân tóc, vùng kín, bí khí,…

Một số yếu tố thuận lợi gây ra bệnh:

  • Yếu tố khách quan: khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn.
  • Yếu tố chủ quan: nhổ tóc, cào gãi da đầu quá mạnh, tóc ẩm, da đầu bị bí, thuốc nhuộm tóc,…
  • Người mắc các bệnh như: tiểu đường, suy giảm miễn dịch tự nhiên hoặc mắc phải,…; sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như corticoid,… cũng dễ mắc bệnh hơn bình thường.

Xem thêm: Cây hương nhu có thật sự trị được rụng tóc không hay chỉ là lời đồn?

Dấu hiệu của bệnh viêm chân tóc

Dấu hiệu của bệnh viêm chân tóc
Ảnh: Dấu hiệu của bệnh viêm chân tóc

Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh là những mụn mủ nhỏ tại chân tóc.

Vùng da quanh chân tóc sưng đỏ, ngứa có thể đau ở nhiều mức độ. Sau đó, mủ nhanh chóng hình thành và phát triển thành mụn bọc màu trắng, vàng, xung quanh chân tóc có quầng viêm.

Mụn có thể rải rác khắp da đầu hoặc tập trung khu trú ở một hoặc nhiều vùng khác nhau trên da đầu. Nhiều nhất ở vùng gáy và hai bên tóc mai.

Thường sưng đau trong vài ngày sau đó đóng vảy và tự khỏi không để lại sẹo. Bệnh có thể tái phát lại nhiều lần và trở nên mãn tính.

Cách trị dứt điểm bệnh viêm chân tóc

Viêm chân tóc diễn biến dai dẳng, gây khó khăn trong điều trị. Do đó, muốn điều trị dứt điểm được viêm chân tóc cần phối hợp nhiều phương pháp với nhau và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

Không dùng thuốc

Chăm sóc da đầu đúng cách:

  • Gội đầu thường xuyên sạch sẽ bằng các loại nước sạch pha chanh, muối loãng, nước bồ kết,…
  • Sử dụng các loại dầu gội phù hợp, khi gội đầu không gãi mạnh tay làm tổn thương da đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập sâu hơn.

Khi bị viêm chân tóc chú ý tránh việc uốn hoặc nhuộm tóc. Điều này không những khiến tóc yếu, dễ gãy rụng hơn mà còn làm tổn thương da đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh.

Xem thêm: Review [A-Z] Dầu gội Megumi có hiệu quả không hay chỉ là tin đồn?

Chữa viêm chân tóc bằng Tây Y

Điều trị viêm chân tóc cần kết hợp nhiều thuốc, phương pháp khác nhau:

  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh
  • Điều trị tại chỗ: Sử dụng các loại thuốc sát trùng như cồn, iod, betadine,…
  • Sử dụng kháng sinh đường uống
  • Một số loại thuốc khác để điều trị triệu chứng: thuốc chống dị ứng, chống ngứa,… như các thuốc kháng histamin ví dụ Loratadin, cetirizin,…

Tùy từng trường hợp của bệnh, các bác sĩ có chỉ định thích hợp, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà như thể sẽ dễ dàng làm vi khuẩn kháng thuốc khiến bệnh trở nên mãn tính, khó điều trị hơn.

Chữa viêm chân tóc bằng Đông Y

Sử dụng lá lốt:

Lá lốt là loại cây đã quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Không chỉ làm thực phẩm thường ngày, lá lốt còn được biết đến với công dụng chống viêm rất hiệu quả. Trong lá lốt có chứa các alcaloid, caryophyllene thiên nhiên có stacs dụng kháng khuẩn rất tốt.

Cách dùng: Sử dụng phần lá của cây, xay nhuyễn từ 15 – 20 lá với 250ml nước đun sôi để nguội với muối. Lọc phần bã và phần nước tách riêng. Đun sôi cách thủy phần nước lọc trên bếp từ 5-10 phút. Sau đó, sử dụng phần nước để uống; phần bã lọc đắp lên chân tóc bị viêm. Nước lá lốt uống 1-2 lần/1 ngày sau bữa ăn. Theo dõi tình hình bệnh.

Sử dụng sả:

Tinh dầu chứa trong sả không những có mùi thơm dễ chịu, kháng khuẩn kháng nấm mà còn giúp da nhanh lành, phục hồi nhanh chóng các tổn thương do tình trạng viêm gây ra.

Cách dùng: Cắt nhỏ 2-3 nhánh sả, sau đó ngâm vào 500ml nước nóng đun sôi. Sau đó, làm sạch da đầu bằng hỗn hợp chanh, đường và mật ong. Lưu hỗn hợp này trên da đầu khoảng 10 phút sau đó gội sạch bằng nước ấm để lỗ chân lông nở ra. Tiếp tục gội lại bằng nước sả vừa chuẩn bị hoặc trực tiếp sử dụng tinh dầu sả và không cần rửa lại bằng nước.

Sử dụng nha đam:

Nha đam chứa các hợp chất như acid salicylic, magnesium lactate,… từ xưa đến nay được nhiều người biết đến với công dụng làm đẹp, giảm mụn hiệu quả.

Cách dùng: Rửa sạch, loại bỏ phần vỏ nha đam, lấy phần gel nha đam ngâm nước muối 5 – 10 phút để loại bỏ hết các chất gây ngứa. Sau đó, lấy ra sử dụng phần Gel xay nguyễn, đắp trực tiếp lên vùng tổn thương sẽ rất mau lành. Sử dụng hằng ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng rau ngót:

Rau ngót không những là một loại rau ăn thông dụng mà còn là một loại thảo dược lành tính chứa rất nhiều vitamin, có tính mát, giảm sưng tiêu viêm rất tốt

Cách dùng: Xay lá rau ngót với 250ml nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước uống, ngày 1-2 lần.

Cách phòng ngừa bệnh viêm chân tóc

Cách phòng ngừa bệnh viêm chân tóc
Ảnh: Cách phòng ngừa bệnh viêm chân tóc
  • Giữ cho da đầu sạch sẽ và luôn khô thoáng, tránh khói bụi và môi trường ẩm ướt.
  • Gội đầu sạch sẽ, sấy khô tóc sau khi gội đầu và trước khi đi ngủ. Không để tóc ướt khi đi ngủ.
  • Sử dụng các loại dầu gội đầu phù hợp, ít chất tẩy rửa để giảm bớt việc
  • Nếu bạn thường xuyên di chuyển bằng xe máy thì nên chọn loại mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, thoáng khí, giảm thiểu việc bí da đầu chảy nhiều mồ hôi. Và đặc biệt là hạn chế việc sử dụng chung mũ bảo hiểm với những người khác.
  • Cẩn thận khi chơi với thú cưng của bạn, khi thấy chúng có dấu hiệu của nấm, viêm nhiễm phải đưa chúng đến các bác sĩ thú y để điều trị triệt để.

Viêm chân tóc có lây không?

Viêm chân tóc có nguyên nhân là vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,… nên hoàn toàn có khả năng lây từ người này sang người khác, đôi khi còn có khả năng những nhiễm khuẩn từ động vật lây lan sang người. Do đó, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế sử dụng chung những đồ vật cá nhân như khăn tắm, lược chải đầu,… là những điều quan trọng cần lưu ý trong phòng tránh và điều trị loại bệnh này. Ngoài ra, thường xuyên đưa thú cưng của bạn đi kiểm tra sức khỏe, trị nấm, tắm rửa sạch sẽ cho chúng cũng là điều rất cần thiết.

Viêm chân tóc có tự khỏi không?

Đa số những ổ viêm sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng sẽ xuất hiện những ổ viêm từ chỗ khác và tái đi tái lại nhiều lần và trở thành mãn tính nếu như không biết chữa trị đúng cách. Trong một số trường hợp xấu hơn, nhiễm khuẩn xâm nhiễm xuống sâu hơn gây ra nhiễm trùng nặng. Do đó, không nên tự ý điều trị viêm da đầu tại nhà, đến bệnh viện để được khám và tư vấn từ bác sĩ.

Review kinh nghiệm chữa viêm chân tóc

Review kinh nghiệm chữa viêm chân tóc
Ảnh: Review kinh nghiệm chữa viêm chân tóc

Chị Mai Thị Phương Thanh, 21 tuổi, Hà Nội chia sẻ: “Khoảng 5-6 tháng nay em thấy có mấy vết mẩn ngứa, mưng mủ ở da đầu, tra google thì có vẻ là bị viêm chân tóc. Em đi khám bệnh thì đúng thật. Bác sĩ kê cho em mấy thuốc bôi với thuốc uống, bác sĩ cũng giới thiệu em dầu gội đầu trị viêm. Em cũng dùng được mấy tháng nay rồi thấy cũng đỡ nhưng mà nghe nói phải dùng kiên trì cơ. Em sẽ cố gắng sử dụng thêm mấy tháng nữa xem có khỏi không.”

Chị Lê Phương Mai, 32 tuổi, Hà Nội chia sẻ: “Tôi bị viêm da đầu 3 năm trước rồi. Ban đầu chỉ có mấy vết đỏ, xong càng ngày, càng nhiều, lam rộng khắp đầu. Đi bệnh viện khám bác sĩ kê thuốc cho dùng thì cũng đỡ nhưng mà chỉ được một thời gian xong lại bị tái lại. Tôi đã kết hợp cả Đông, Tây y cố gắng lắm, mãi giờ mới hết. May quá!”

Một số câu hỏi thường gặp

Viêm chân tóc nên dùng dầu gội gì?

Khi bị viêm chân tóc không nên sử dụng các loại dầu gội có chứa quá nhiều các loại chất tẩy rửa tổng hợp, những loại dầu gội này làm cho da đầu trở nên yếu, và tóc dễ gãy rụng hơn.

Phù hợp nhất là những loại dầu gội thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên, không tạo ra quá nhiều bọt, chăm sóc dịu nhẹ da đầu kháng nấm, kháng khuẩn hiệu quả.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng một số loại dầu gội kháng nấm, kháng khuẩn tùy từng loại nguyên nhân. Những loại dầu gội này có chứa chất kháng nấm hoặc kháng sinh giúp hỗ trợ điều trị viêm da đầu.

Trẻ sơ sinh bị viêm chân tóc có nguy hiểm không?

Viêm chân tóc nếu chưa phát triển nặng thì không có nguy hiểm nhiều, tuy nhiên nếu như vi khuẩn xâm nhiễm sâu hơn xuống dưới lớp da đầu sẽ gây ra những hậu quả khó lường, có thể tạo ra những mảng apxe lớn, mưng mủ,… Đối với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch của các em còn yếu, khó chống đỡ lại được sự tấn công của vi khuẩn. Do đó, khi các em có bất kỳ biểu hiện viêm nhiễm nào, nên đưa các em đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Kết luận: Viêm chân tóc đơn thuần không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng bệnh lại rất phổ biến đặc biệt ở một nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Bệnh chủ yếu gây ra bởi vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), vi khuẩn này nguy hiểm, kháng nhiều loại thuốc kháng sinh nên điều trị dứt điểm rất khó khăn, thường hay bị tái lại. Do đó, cần tuân thủ đúng các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc da đầu đúng cách. Và đặc biệt là, tuyệt đối không nên điều trị tại nhà vì nguyên nhân gây ra viêm da đầu rất đa dạng, đối với mỗi nguyên nhân lại có một cách điều trị khác nhau. Vì thế cho nên, cần đến các trung tâm y tế hiện đại để được khám, tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Chúc các bạn sớm khỏi bệnh.

BÌNH LUẬN (1)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *