Thuốc Lisanolona: Công dụng, liều dùng & tác dụng phụ thường gặp

Các bệnh lý về viêm như viêm khớp, sẹo lồi, viêm da, viêm mũi dị ứng,… luôn là nỗi ám ảnh của tất cả những người bệnh mắc phải, đặc biệt là mỗi khi thay đổi thời tiết. Bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn 1 sản phẩm được coi là vị cứu tinh cho tất cả các trường hợp viêm nhiễm, đặc biệt là trong các bệnh lý về da, được sử dụng rộng rãi ở các nước tân tiến trên thế giới – Lisanolona.

Lisanolona là thuốc gì?

Lisanolona là thuốc có bản chất là hormon steroid, chuyên dùng để điều trị các bệnh lý về viêm, điển hình là viêm khớp, viêm mũi dị ứng, các bệnh lý về da. Thuốc được nghiên cứu, sản xuất và phát triển tại công ty Laboratorio Italiano Biochimico Farmaceutico Lisapharma S.P.A của Ý – 1 công ty Dược phẩm rất nổi tiếng tại quốc gia này.

Thuốc được bào chế dưới dạng hỗn dịch pha tiêm, 1 hộp 5 ống, mỗi ống 2ml.

Bao bì của thuốc cũng như các ống tiêm bên trong đều có màu vàng, điều kiện bảo quản là những nơi khô thoáng, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30 độ C. Hạn sử dụng của thuốc là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.

Thuốc Lisanolona có tác dụng gì?

Thành phần của thuốc Lisanolona
Ảnh: Thành phần của thuốc Lisanolona

Lisanolona có thành phần chính là Triamcinolone acetonide có hàm lượng 80mg trong 2 ml hỗn dịch tiêm, thuộc nhóm corticosteroid có tác dụng ức chế giải phóng các hoạt chất gây viêm là Prostaglandin và Leukotrien , chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Từ đó làm giảm các triệu chứng của viêm như sưng, nóng, đỏ, đau.

Nếu dùng với liều cao và dùng toàn thân, Triamcinolone acetonide còn có tác dụng ức chế bài tiết hormon ACTH của tuyến yên, hỗ trợ điều trị tình trạng suy vỏ thượng thận thứ phát.

Cách sử dụng thuốc Lisanolona

Cách dùng

Cách sử dụng thuốc Lisanolona
Ảnh: Cách sử dụng thuốc Lisanolona

Thuốc được sử dụng bằng đường tiêm.

Tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau mà các vị trí tiêm cũng khác nhau: Có thể tiêm bắp trong trường hợp cần đưa thuốc tới toàn thân, tiêm dưới da hoặc tiêm trực tiếp vào trong khớp,… Tuy nhiên, bạn không nên tự tiêm nếu không có sự trợ giúp của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Lưu ý: Không tiêm thuốc vào tĩnh mạch, cột sống ( ngoài màng cứng ), các vùng da quanh mắt, mũi, miệng vì có nguy cơ gây ra tai biến cho các bộ phận này.

  • Trước khi tiêm, cần phải sát trùng vị trí tiêm bằng cồn 70 độ, tay cần phải được sát khuẩn sạch sẽ bằng xà phòng hoặc đeo găng tay y tế trong quá trình thực hiện.
  • Sau đó, lắc đều ống tiêm để các hoạt chất trong chế phẩm được đồng nhất. Sau khi đã mở thuốc, cần phải tiêm ngay để tránh đóng cặn hay hình thành kết tủa trong ống tiêm.

Đối với việc thực hiện tiêm các cơ ở vùng mông, cần sử dụng kim có chiều dài ít nhất là 4cm. Với những người béo phì thì sẽ cần cây kim dài hơn so với những người bình thường. Sau mỗi lần tiêm, cần thay đổi vị trí khác nhau.

Trong quá trình sử dụng, không được tự ý tăng liều, giảm liều hoặc lạm dụng thuốc sử dụng quá thời gian quy định, cần tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu thấy có bất kì sự đông vón, kết tủa trong ống thuốc thì không được tiếp tục sử dụng sản phẩm nữa.

Liều dùng

Tùy vào các bệnh lý khác nhau, liều dùng có thể thay đổi đối với từng bệnh nhân. Do đó, hãy tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả tối ưu.

  • Trong trường hợp bị sổ mũi, viêm mũi dị ứng: Tiêm 1 ống 2ml duy nhất. Nếu có tái phát thì mới sử dụng ống tiếp theo.
  • Nếu điều trị sẹo lồi: 3 – 4 tuần tiêm 1 ống 2ml.
  • Nếu sử dụng để điều trị các bệnh lý về viêm khớp, đau khớp: Cứ 3 – 4 tuần tiêm 1 ống 2 ml.

Lưu ý: Việc tiêm thuốc cần được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn để tránh bị nhiễm trùng chỗ tiêm, liều lượng tiêm của mỗi người khác nhau phụ thuốc vào tình trạng cũng như tiến triển của bệnh. Trên đây chỉ là liều lượng tham khảo, không được sử dụng để thay thế đơn của bác sĩ.

Đối với trẻ em vẫn chưa có nghiên cứu và chỉ định về liều dùng thích hợp. Do đó, nếu muốn dùng cho trẻ, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc thay thế 1 loại thuốc khác phù hợp hơn.

Chỉ định của thuốc Lisanolona

  • Điều trị các bệnh lý liên quan đến viêm xương khớp: viêm khớp dạng thấp, viêm bao màng hoạt dịch, viêm cột sống dính khớp, viêm mỏm lồi cầu, viêm cơ xương khớp, viêm gout cấp, viêm bao gân, viêm khớp sau chấn thương hoặc phẫu thuật, thoái hóa xương khớp,…
  • Điều trị các tình trạng dị ứng: Dị ứng với phấn hoa, thời tiết, viêm da do dị ứng, hen phế quản, viêm mũi dị ứng,..
  • Điều trị các bệnh như loét dạ dày tá tràng, Lupus ban đỏ hệ thống, hồng ban nặng, bệnh vảy nến, rối loạn hô hấp, Herpes ở mắt, viêm mống mắt, viêm dây thần kinh thị giác, viêm ruột cục bộ, viêm phổi,…

Thuốc Lisanolona có tác dụng phụ không?

Lisanolona có tác dụng phụ không?
Ảnh: Lisanolona có tác dụng phụ không?

Thành phần chính của thuốc Lisanolona là Triamcinolone acetonide có bản chất là glucocorticoid. Do đó, bạn sẽ gặp tương đối nhiều các tác dụng phụ đối với hoạt chất này. Các tác dụng phụ điển hình có thể kể đến như:

  • Rối loạn giấc ngủ, có thể mất ngủ, tâm trạng thay đổi.
  • Gây mọc mụn trên da, có thể khiến da mỏng hơn, khô hơn, lộ mạch máu hay còn gọi là giãn mao mạch.
  • Khiến vết thương lâu lành hơn.
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau dạ dày, loét dạ dày tá tràng, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,…
  • Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, rong kinh, tắc kinh,…
  • Yếu cơ, liệt cơ.
  • Tại vị trí tiêm, có thể bị đỏ, rát, đau.
  • Thuốc có thể làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường của bạn vì có nguy cơ làm tăng đường huyết.
  • Phù chân, tay, mặt, hội chứng Cushing.
  • Có thể bị nhiễm trùng tại vị trí tiêm nếu quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn.

Bên cạnh đó, 1 vài tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể xảy ra, thường rất hiếm nhưng nếu bạn gặp phải hãy báo ngay cho bác sĩ và ngay lập tức dừng sử dụng thuốc:

  • Tầm nhìn bị hạn chế, mắt có hiện tượng nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn xa không rõ, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, mù,..
  • Cảm thấy bị khó thở, cân nặng tăng nhanh không kiểm soát dù vẫn giữ nguyên chế độ ăn như cũ.
  • Có triệu chứng động kinh như co giật, mất ý thức tạm thời hay có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
  • Phân có lẫn máu hoặc ho ra máu.
  • Viêm tụy với biểu hiện lâm sàng điển hình là đau dữ dội ở bụng trên và lan sang lưng, buồn nôn và nôn mửa, đánh trống ngực liên hồi.
  • Nồng độ kali trong máu thấp.
  • Huyết áp tăng cao tới mức nguy hiểm với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai, lo lắng, hoang mang, khó thở, tim đập dồn dập, có cảm giác hồi hộp, đau thắt ngực, động kinh, tăng nhãn áp,…
  • Rối loạn miễn dịch như sốc phản vệ.

Nói chung, các tác dụng phụ không phải ai cũng gặp và không phải lúc nào cũng gặp. Thông thường, tác dụng phụ sẽ biểu hiện rõ rệt nhất trong lần đầu sử dụng thuốc và sẽ giảm dần trong các lần sau. Với mỗi người, tác dụng phụ sẽ biểu hiện khác nhau, chúng ta chỉ cần cẩn thận trong quá trình sử dụng và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ và dược sĩ thì sẽ giảm thiểu được tối đa nhất tác dụng phụ của thuốc gây ra. Tuy tác dụng phụ của thuốc tương đối nhiều nhưng cũng đừng lo lắng quá, nếu dược sĩ hay bác sĩ kê đơn thuốc này cho bạn tức là họ đã xem xét lợi ích và nguy cơ của thuốc.

Chống chỉ định của thuốc Lisanolona

  • Không được phép sử dụng thuốc Lisanolona cho bệnh nhân mẫn cảm, dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc ( bao gồm cả hoạt chất và tá dược ).
  • Chống chỉ định trong trường hợp tiêm tĩnh mạch và tiêm trong da.
  • Người bị nhiễm trùng toàn thân như nhiễm nấm, nhiễm siêu vi, nhiễm lao.
  • Các trường hợp bị ban xuất huyết dẫn tới giảm tiểu cầu vô căn.

Tương tác của Lisanolona với các thuốc và sản phẩm khác

Tương tác thuốc của Lisanolona
Ảnh: Tương tác thuốc của Lisanolona
  • Thuốc sẽ có tác dụng tăng lên khi kết hợp với cyclosporin và ketoconazole.
  • Khi kết hợp với các thuốc sau: barbiturat, phenytoin, carbamazepine và rifampicin thì tác dụng của thuốc sẽ giảm đi do làm tăng hoạt tính enzym chuyển hóa thuốc dẫn tới làm tăng chuyển hóa thuốc trong cơ thể.
  • Khi sử dụng kết hợp Lisanolona với thuốc chống đông máu với thuốc chẹn cơ sẽ làm tăng hoặc giảm tác dụng của các loại thuốc này.
  • Ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc uống hạ đường huyết và insulin
  • Ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc tuyến giáp.
  • Lisanolona có khả năng làm tăng tác dụng của cyclosporin.
  • Sử dụng chung Lisanolona cùng với glycosid digitalis sẽ làm tăng độc tính của glycosid digitalis. Do vậy hãy thận trọng nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này nha.
  • Triamcinolone trong Lisanolona khi sử dụng cùng với các thuốc Nsaid sẽ làm tăng tỷ lệ và / hoặc mức độ nghiêm trọng của loét dạ dày tá tràng và chảy máu đường tiêu hóa.
  • Làm giảm tác dụng của isoniazid trong huyết thanh.
  • Nếu sử dụng chung Lisanolona và các thuốc estrogen thì thời gian bán hủy và nồng độ của Lisanolona sẽ tăng lên.
  • Lisanolona có tác dụng đối kháng với các thuốc kháng cholinesterase.

Ngoài tương tác thuốc – thuốc có thể xảy ra thì thức ăn và bia rượu có thể tương tác với Lisanolona, dẫn tới thay đổi cơ chế hoạt động của thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc gia tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ. Sử dụng rượu bia trong quá trình sử dụng thuốc sẽ là bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ hơn, điều này sẽ gây nguy hiểm nếu bạn làm nghề lái xe.

Lưu ý khi sử dụng thuốc

Nếu như bạn từng dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc hoặc dị ứng với bất kì hoạt chất nào khác mà bạn đã biết trước đó, bao gồm cả việc dị ứng với lương thực thực phẩm, đồ uống, thuốc nhuộm, động vật hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.

Hạn chế sử dụng thuốc này cho trẻ em dưới 6 tuổi do độc tính cũng như tác dụng phụ của sản phẩm khá cao. Hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện của trẻ em có thể dẫn tới bùng phát vấn đề dị ứng hoặc sốc phản vệ khi sử dụng sản phẩm này.

Nếu bạn đang mắc phải các bệnh như: Tiểu đường, các vấn đề về mắt ( tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,..), suy tim, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, loét dạ dày tá tràng, viêm ruột, loãng xương, máu khó đông, bệnh lao, các bệnh liên quan đến tuyến giáp như cường giáp hoặc thiểu năng tuyến giáp,.. thì hãy thận trọng trong quá trình sử dụng và báo cho bác sĩ/ dược sĩ của bạn để được tư vấn cẩn thận và hợp lý.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Lisanolona
Ảnh: Lưu ý khi sử dụng thuốc Lisanolona

Trong quá trình sử dụng thuốc, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và các chất kích thích như: cà phê, rượu bia, thuốc lá,.. Đặc biệt không lái xe hoặc điều khiển máy móc quan trọng sau khi uống rượu. Tác dụng của thuốc khi kết hợp với rượu sẽ khiến bạn cảm giác say hơn và làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa.

Hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây có thể dẫn tới nhiễm trùng như sởi, thủy đậu, phát ban, cúm.

Không nên tiêm chủng hoặc xét nghiệm da khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ/ dược sĩ.

Cách xử trí khi quá liều, quên liều

Quá liều

Trong trường hợp sử dụng quá liều, nếu còn đủ tỉnh táo bạn hãy đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để khám và xét nghiệm, kiểm tra các nguy cơ có thể xảy ra.

Nếu như các triệu chứng dữ dội, đau đớn, hãy nhờ người nhà hoặc gọi ngay cho 115 để được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Quên liều

Khi bạn chẳng may quên mất 1 liều thuốc, nếu vẫn còn cách xa liều tiếp theo bạn hãy ngay lập tức sử dụng thuốc càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên nếu gần đến liều mới bạn mới nhớ ra thì bỏ qua luôn liều cũ và sử dụng liều tiếp theo đúng như kế hoạch, đúng theo liều lượng được chỉ định trước đó. Tuyệt đối không được uống gấp đôi, gộp liều cũ với liều mới để tránh tình trạng quá liều gây nên các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc Lisanolona có dùng được cho phụ nữ có thai và đang cho con bú?

Phụ nữ có thai có dùng được Lisanolona?
Ảnh: Phụ nữ có thai có dùng được Lisanolona?

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu xác định hay thử nghiệm lâm sàng nào về các rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Theo FDA – Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ xếp thuốc này vào nhóm đối tượng có thể có nguy cơ đối với thai kỳ. Bên cạnh đó, khi thử nghiệm corticosteroid trên động vật thì đã được chứng minh là gây quái thai ở liều lượng thấp. Do đó, việc sử dụng thuốc này ở thời kỳ mang thai cần có sự theo dõi chặt chẽ, sát sao của bác sĩ và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Nếu lợi ích tiềm năng mà thuốc mang lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với người mẹ và thai nhi. Đứa trẻ sau khi sinh ra cũng cần phải làm các xét nghiệm cẩn thận để tránh tình trạng suy vỏ thượng thận sau này vì có thể gặp các vấn đề về rối loạn hormone.

Đối với những người đang cho con bú cũng cần được cân nhắc cẩn thận nếu phải sử dụng thuốc, chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của bác sĩ, đã được tư vấn kĩ càng và lợi ích mang lại cao hơn so với những rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh. Một số corticosteroid toàn thân đã được chứng minh là có bị hấp thu vào trong sữa mẹ và làm tăng nhẹ nguy cơ ( khoảng 1% ) bị hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh. Người mẹ trong quá trình sử dụng thuốc cũng cần theo dõi các phản ứng bất thường của con trẻ, nếu có các triệu chứng như nôn không ngừng, bỏ bú, tiêu chảy hoặc suy nhược cơ thể thì cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Thuốc Lisanolona giá bao nhiêu?

Hộp thuốc Lisanolona
Ảnh: Hộp thuốc Lisanolona

Thuốc Lisanolona thông thường được bán với giá niêm yết là 280.000/ hộp 5 lọ, mỗi lọ 2ml. Tuy nhiên, giá cả có thể chênh lệch tùy thuộc vào từng địa điểm bán cũng như từng thời điểm. Người mua có thể tham khảo trước giá trên mạng để đưa ra được quyết định chắc chắn trước khi mua.

Mua thuốc Lisanolona ở đâu?

Hiện nay, thuốc Lisanolona cũng là 1 sản phẩm rất phổ biến trên thị trường. Do đó, bạn có thể dễ dàng tìm mua ở bất kì hiệu thuốc nào trên thị trường hoặc gần nhà bạn. Tuy nhiên, để được tư vấn kĩ càng, cẩn thận hơn về cách sử dụng và các rủi ro có thể xảy ra, bạn nên tìm đến các nhà thuốc lớn, uy tín trên địa bàn như nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc Pharmacity, nhà thuốc Long Châu,… Hoặc 1 vài nhà thuốc khác mà bạn cảm thấy tin tưởng.

Để cẩn thận hơn, bạn có thể tìm đến quầy thuốc của các bệnh viện lớn để mua sản phẩm. Ở Hà Nội, bạn có thể tìm đến Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Việt Đức,… đều là những bệnh viện có tiếng và uy tín. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể tìm đến các bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Thống Nhất,..

Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm tại các trang web tràn lan trên mạng xã hội cũng như các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sen Đỏ,… Tuy như, các sản phẩm thuốc kê đơn chúng tôi khuyên bạn nên mua tại các nhà thuốc, quầy thuốc uy tín để được đảm bảo về chất lượng thuốc cũng như được tư vấn hướng dẫn sử dụng cẩn thận, kĩ càng. Không nên tự ý đặt hàng ở những trang web không uy tín và tự ý sử dụng mà không có bất kì sự trợ giúp nào từ các cán bộ y tế. Điều này có thể sẽ gây nguy hiểm cho bạn.

Xem thêm:

Thuốc tiêm sẹo lồi Pharmacort có tốt không? Giá bán & mua ở đâu?

BÌNH LUẬN (1)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *